Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ

13/06/2016 | 16:02:34 | 973 lượt xem

Di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ tọa lạc tại số 51/10/14 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh là một cơ sở cách mạng xuyên suốt trong thời gian chống Mỹ. Đây là một căn gần cuối của dãy phố trệt liên kế, nền gạch, vách tường, mái ngói, trước có sân, giữa có khoảng trống gọi là giếng trời ngăn nhà trên và nhà bếp. Nhà bếp là căn gác gỗ rộng 3,6m, dài 6m so với nhà trên: 3,6m x 15m được ngăn làm đôi: phòng khách và phòng ngủ.

Sau Hiệp định đình chiến Genève 1954, một số cán bộ được phân công bám trụ hoạt động trong đó có vợ chồng ông Nguyễn Trọng Xuất và bà Trần Thị Ngọc Sương. Thời gian này bà Sương là cán bộ Đảng viên được bố trí vào ngành Bưu điện để hoạt động cách mạng trong lòng địch. Căn hộ 51/10/14 đường Cao Thắng của cha ông Nguyễn Trọng Xuất để lại cho vợ chồng ông Xuất quản lý. Lúc này chị ruột của bà Sương là cán bộ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy móc ráp và biến nơi này thành cơ sở của Ban Tuyên huấn Xứ ủy. Người vừa làm hậu cần vừa cảnh giới bên ngoài di tích có bà Võ Thúy Viên; ông Đỗ Văn Ba (tức Đỗ Văn Hạng) là cán bộ Xứ ủy sử dụng điện đài nhằm thu và viết tin từ đài phát thanh Hà Nội.

Điện đài là một radio hiệu Philip của Hà Lan do ông Ba tự lắp đặt thêm một bộ phận để nghe hệ thống "mooc" (morse) kích thước bằng tivi 21 inch hiện nay. Máy radio đặt trong phòng ngủ. Thoạt đầu ông Ba nghe tin qua radio trong phòng ngủ, về sau ông Ba đem ra ngoài phòng khách, rồi đem ống nghe truyền dẫn nhét vào tai có nghi trang giả vờ như đang chấm bài. Ông Ba đã tạo dựng hình ảnh quen thuộc trong thời gian dài khiến cho người ngoài nhìn vào cứ ngỡ ông đang chấm bài vì ông là nhà giáo. Ông tự dịch, kiểm tra và tổng hợp các tin tức, sau đó chuyển các tài liệu này đến bộ phận ấn loát. Lui tới thường xuyên có ông Phạm Công Cảnh đóng vai tài xế đến nhận và chuyển tài liệu.

Từ năm 1954 đến năm 1957, Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã triệu tập nhiều cuộc họp tại 51/10/14 Cao Thắng. Để chỉ đạo các phong trào đấu tranh trong thành phố có các anh: Trần Bạch Đằng, Phạm Dân, Tân Đức, Đỗ Văn Ba... Các cuộc họp được bố trí người canh gác chặt chẽ bảo đảm an toàn. Giữa năm 1957, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ chuyển về chiến khu Đ. Nhưng ông Nguyễn Trọng Xuất là cán bộ Đảng viên thuộc Thị xã Mỹ Tho nên ông đã bố trí cho một số cán bộ Đảng viên của Thị xã Mỹ Tho, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thái Sanh Hạnh (tự Chí Nam) - Bí thư Ban Cán sự và đồng chí Trần Văn Nhơn (9 Thảo) - Uủy viên Ban Cán sự Thị xã Mỹ Tho, sử dụng cơ sở 51/10/14 Cao Thắng làm điểm đứng chân để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Tỉnh. Thời gian này các cán bộ trong Thị ủy thường hội họp ở phòng ngủ, lúc bấy giờ mới dựng thêm gác gỗ sau nhà bếp để che bớt nơi làm việc.

Cuối năm 1960, theo yêu cầu thành lập Uủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Mỹ Tho, ông Nguyễn Trọng Xuất được lệnh cấp trên điều động vào vùng giải phóng giữ cương vị Chủ tịch Uủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Mỹ Tho từ 1961 đến 1962. Bà Sương đang là Đảng viên của Ban chấp hành Phụ nữ giải phóng Thị xã Mỹ Tho vẫn tiếp tục sử dụng nơi này cho Phụ nữ Mỹ Tho do chị Nguyễn Thị Aảnh phụ trách. Năm 1965, chị Nguyễn Thị Chơn (em chị Nguyễn Thị Aảnh) - Uủy viên Ban Phụ vận Khu ủy đã ở đây. Bà Sương cũng được tiếp nhận về Đảng bộ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trực thuộc Ban Phụ vận Khu ủy kể từ năm 1965.

Năm 1964, đồng chí Võ Văn Thôn (hiện là Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM) đã liên lạc với chị Sương, tổ chức lớp đào tạo một số học sinh trường phổ thông trung học Gia Long tại nhà, trong đó chó chị Nguyễn Thị Thanh Sự (liệt sĩ) em ruột anh Xuất. Đồng chí Thôn lui tới tại đây với danh nghĩa dạy kèm (bí danh là Chánh) thực ra là hoạt động cho Uủy ban vận động hòa bình của trường Đại học Luật ở Sài Gòn mà đồng chí Thôn là một sinh viên, phụ trách tờ báo Bừng Sống của sinh viên Luật.

Căn nhà kế bên (số 51/10/12) của ông bà Tư Bôn là quần chúng cách mạng, chị Sương giới thiệu cho Ban Trí vận Khu ủy đặt cơ sở in ấn tờ "Trí Thức mới". Chị Từ Thanh Mỹ phụ trách in ấn và phát hành tờ báo này của khối Trí vận. Năm 1967, Ban Phụ vận Khu ủy đã bố trí chị Lê Thị Riêng - Trưởng ban Phụ vận Khu ủy - về ở tại đây. Để làm bình phong, căn nhà được nghi trang như một tiệm may. Bà quả phụ của liệt sĩ Đoàn Văn Bơ (mẹ của Đoàn Lê Hương, Đoàn Lê Phong) về ở tại đây ngồi may để giao tiếp với cán bộ đến liên hệ. Hai nhà thông nhau qua giếng trời, khi báo động thì chuyển tài liệu cho nhau để qua mắt địch.

Chị Lê Thị Riêng đã ở đây dưới bí danh là cô Chín. Chị Riêng sử dụng đài thu thanh Philip của chị Sương để bắt tin tức, chép tin đọc chậm của đài tiếng nói Việt Nam và đài Giải Phóng, chăm sóc bài vở các tờ báo "Phụ Nữ", "Sài Gòn vùng lên", "Trung Lập"... v.v... Cơ sở 51/10/14 và 51/10/12 đường Cao Thắng bảo đảm được bí mật cho hoạt động của nhiều tổ chức cách mạng - khởi đầu bằng cơ sở của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ - là nhờ sự che chở, đùm bọc của bà con hàng xóm Bàn Cờ như: ông bà Tám (51/10/16), má Hai, bà Tư, cô Mười (nhà Bảo sanh).

Để tạo vỏ bọc an toàn, chị Sương sử dụng căn hộ 51/10/14 làm nơi sản xuất chế biến bánh phồng tôm Tiền Giang. Dựa vào bộ mặt có nhiều người ra vào mua bán - giao nhận hàng, chị Sương đã tổ chức đưa một số chị em vào hoạt động các phong trào công khai: "Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ Việt Nam", "Phụ nữ đòi quyền sống", "Đòi cải thiện chế độ lao tù"... Chi bộ Đảng của Ban Phụ vận nội thành gốm các đồng chí: Nguyễn Thị Ngoan, Trần Thị Ngọc Sương, Lê Minh Nguyệt thường sinh hoạt tại ngôi nhà này do chị Ngoan làm Bí thư. Các đồng chí phụ trách cấp trên: Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Chơn, Phan Ngọc Dung truyền đạt chủ trương, phát động phong trào công khai nói trên. Còn chị Trịnh Thu Nga cũng nhờ nơi đây làm hộp thơ thông tin liên lạc, sử dụng điện thoại công cộng Bưu điện Sài Gòn nhắn bằng ám hiệu.

Chị Trần Thị Lan, Ngô Bá Thành của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống cũng sử dụng căn nhà 51/10/14 Cao Thắng làm nơi liên lạc của Hội. Trong cuộc Tổng Tiến công và Nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 - đợt 1, nhà 51/10/14 Cao Thắng là một trong những điểm tựa của bộ phận Thành Đoàn do chị Đỗ Ngọc Trinh (Bảy Hà) phụ trách hoạt động phá kềm ở xóm Bàn Cờ. Trong đợt 2 Mậu Thân, các chị em thuộc Ban Phụ vận tổ chức may băng cờ, biểu ngữ. Chị Đoàn Lê Phong lúc bấy giờ là đội viên của đội võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên Huấn của Khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định đã trụ lại nhiều ngày tại nhà chị Sương. Chị Phong đã nhiều lần mang truyền đơn và cờ đến rải và dán lên sạp chợ Bàn Cờ gây xôn xao khắp vùng.

Tại di tích 51/10/14 Cao Thắng, lực lượng võ trang của Ban Phụ vận đã dùng chiếc Honda của chị Sương chuyển vũ khí về để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sau Mậu Thân 1968, chị em trong lực lượng võ trang lại đưa các khẩu súng này về cất giấu ở di tích gồm 5 khẩu K54. Do lúc đó có nhiều chị em bị lộ, nên chị Sương đã đào một hầm nhỏ ngay cửa phòng ngủ để cất giấu số vũ khí này. Sau đó không lâu, địch đánh hơi đến và đào bới khắp nơi căn nhà 51/10/14, nhưng nhờ kỹ thuật chôn giấu tài tình mà máy rà vũ khí của địch cũng không phát hiện được. Số vũ khí này đến sau giải phóng 30/4/1975 đã được lấy lên giao lại Bảo tàng Cách mạng Trung ương (4 khẩu) và Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh (1 khẩu).

Năm 1969, ngôi nhà 51/10/14 Cao Thắng cũng là nơi tập trung tài liệu báo chí cho chị Trần Thị Ngọc Sương chuyển đến phái đoàn ta ở Hội nghị Paris để đấu tranh với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, Đoàn cán bộ tiếp quản thành phố của Thành ủy do đồng chí Phạm Khải (Ba Ka) dẫn đầu, đã dựa vào cơ sở này để tiếp quản Bưu điện, tòa Đô chính thành phố... Di tích 51/10/14 Cao Thắng được biết đến như là một nơi gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thể hiện ý chí và sự sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân giữa lòng địch. Di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ: 51/10/14 Cao Thắng được Bộ Văn hóa xét duyệt cấp bằng công nhận theo quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.

Nguồn: http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/baotonbaotang/baotang/ditich/002.html

 

Top điểm cao trong 7 ngày qua

Đề thi trắc nghiệm mới

Tài liệu mới trên Matran.vn

Công cụ trực tuyến hỗ trợ giáo dục - MaTran.edu.vn
Copyright © 2014-2021. All rights reserved. Bản quyền thuộc VinaGon
Email: info@vinagon.com
Hotline: 086.924.3838
• Liên hệ hỗ trợ
• Quy định chung
• Chính sách bảo mật
• Phương thức thanh toán